La Tresse

28-07-2020

Cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn Laetitia Colombani viết về số phận 3 người phụ nữ, nhưng thay vì kể lần lượt từng người một, tác giả đã kể xen kẽ từng khoảnh khắc cũng như những biến cố trong cuộc đời của cả 3 người phụ nữ ấy.


Smita – một phụ nữ Ấn Độ làm nghề dọn dẹp nhà xí, cô phải nhặt từng cục phân người bằng đôi tay trần, đây là nghề mẹ cô truyền lại và dường như, không có một cách nào để có thể chối bỏ công việc đó. Chồng của Smita làm nghề bắt chuột, công việc này bớt hôi thối hơn và có vẻ được trả công hậu hĩnh hơn khi phần thưởng chính là những con chuột – món ăn quen thuộc của gia đình Smita.

Smita có một mong muốn tột cùng đó là cô con gái 6 tuổi của mình sẽ được đi học để có thể đổi đời, để không bao giờ phải làm cái công việc bẩn thỉu như của mẹ và bị xã hội rẻ rúng. Dành dụm toàn bộ số tiền cả đời tích góp, Smita xin cho con đi học, nhưng thật không dễ dàng gì để một đứa trẻ người Dalit thấp hèn hòa nhập với cộng đồng người Jatts. Thầy giáo đã sỉ nhục con gái Smita bằng cách bắt cô bé quét dọn lớp học và khi cô bé không đồng ý, thầy giáo nhẫn tâm đánh đập và bỏ đói em.

Nếu như Smita vẫn ở nơi đây thì con gái cô rồi cũng sẽ phải sống cuộc đời như bố mẹ nó, bị người đời coi thường và hành hạ. Vậy nên, Smita đã có một quyết định táo bạo – bỏ trốn. Ngay cả khi chồng của Smita không tán thành, cô vẫn kiên định thực hiện kế hoạch, cô đặt cược sinh mạng cả hai mẹ con vào một chuyến đi đầy mạo  hiểm. Nếu thành công, mẹ con Smita sẽ được tự do và được xã hội nhìn nhận như một con người, ngược lại nếu thất bại họ sẽ bị những người Jatts ném đá đến chết, hoặc thậm chí là hiếp dâm cả hai mẹ con để trừng phạt tội dám bỏ làng.

Nhưng trốn chạy khỏi cái túp lều rách nát không có nghĩa là cuộc đời hai mẹ con Smita ngay lập tức sẽ tươi sáng. Con đường để đi đến hạnh phúc luôn đầy chông gai và gian khổ. Vượt lên trên tất cả, với đức tin và ý chí phi  thường, Smita và con gái cuối cùng cũng dần tới được miền đất mới. Họ quyết định dâng hiến mái tóc mình cho thần Vishnou, và kể từ giây phút xuống tóc ấy, cả thể xác lẫn tâm hồn Smita bỗng trở nên tinh khiết và vô cùng nhẹ nhõm, hai mẹ con cô đã hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc sống mới.

Mái tóc của hai mẹ con Smita đã chu du một vòng thế giới khi đến với xưởng làm tóc của gia đình cô gái Giulia (ở Sicilia, nước Ý). Chính những mái tóc của những người phụ nữ như Smita đã giúp cuộc đời Giulia "hồi sinh". Bố ốm liệt giường, gia đình sắp phá sản, lại thêm mối tình gần như tuyệt vọng với một người đàn ông nhập cư không xu dính túi, ý tưởng nhập khẩu tóc của người Ấn với giá rẻ sẽ giúp Giulia tiếp tục duy trì xưởng tóc truyền thống của gia đình và không ngừng nuôi dưỡng những niềm hy vọng.

Từ xưởng làm tóc của Giulia, những bộ tóc nhiều màu sắc sẽ được bày bán tại khắp các nước châu Âu. Một bộ tóc giả tưởng chừng như chỉ là một món đồ làm đẹp đơn thuần, nhưng với một số phụ nữ (như Sarah chẳng hạn), đó là một phép màu.

Sarah sống tại Canada, cô là một bà mẹ ba con đã trải qua hai cuộc hôn nhân sóng gió, nhưng đồng thời cô cũng là một nữ luật sư danh tiếng và thành đạt tại một hãng luật nổi tiếng thế giới. Cô khá hài lòng với cuộc sống tự do, tự tại của mình, dù sâu thẳm bên trong, đôi lúc lương tâm cô vẫn cứ cắn rứt về việc mình đã không thể giữ lấy một gia đình trọn vẹn cho các con. Khi bệnh ung thư vú ập đến, đồng nghiệp, cấp trên nhìn Sarah bằng ánh mắt thương hại, họ nghi ngờ năng lực làm việc của cô, họ tranh thủ khi cô đang bận rộn xạ trị, phẫu thuật để lật đổ cô. Bệnh tật, xấu xí và mệt mỏi, lại thêm bị đồng nghiệp chơi xấu, Sarah gần như tuyệt vọng, cùng quẫn. Nhưng chỉ một mái tóc giả đến từ chính những người phụ nữ Ấn Độ - món quà dâng hiến cho các vị thần, cuộc đời Sarah đã tươi sáng trở lại.

Một mái tóc không làm nên số phận con người, nhưng đằng sau mỗi mái tóc là một câu chuyện dài về những phận người khác nhau. Phải chăng, đó chính là dải sam kết nối câu chuyện về cuộc đời 3 người phụ nữ ấy?!

Trong cuộc sống, đã hoặc sẽ có những lúc chúng ta gặp phải những biến cố của cuộc đời, những thử thách và cả những đau khổ tưởng chừng như không thể nào chịu đựng nổi. Nhưng với “Dải sam”, tôi đã bật khóc vì không thể nào tưởng tượng được ở thời đại văn minh như bây giờ vẫn còn những con người khốn cùng như Smita. Và ở những đất nước tưởng như hạnh phúc nhất thế giới là Ý hay Canada thì số phận vẫn có lúc trêu đùa và thử thách những người phụ nữ can đảm. Cuộc đời nghiệt ngã hay không phụ thuộc vào cách nhìn của bạn, nếu bạn đầu hàng số phận, bạn là kẻ thua cuộc, nếu bạn có thể vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình, bạn sẽ là người chiến thắng, đó là cách 3 người phụ nữ “Dải sam” của chúng ta đã sống và tự cứu lấy chính mình.

skype
LCL Export
skype
FCL Export
skype
Air Export
skype
Import (LCL, FCL, Air)
skype
Domestic
skype
Other Inquiries
ONLINE
INQUIRY
skype
ONLINE zalo